Lão Trà – Gừng càng già càng cay, trà càng lão giá trị càng cao!
Nguyên liệu làm Lão Trà: oolong Đông Đỉnh. Được lựa chọn nguyên liệu tốt nhất, đảm bảo độ lên men, độ ấm, đậm, chắc nịch, lá trà cứng cáp đảm bảo tiếp tục lên men trong khi ủ và nướng sấy nhiều lần trong khói lửa. Trà thành phẩm chất lượng cao được nướng, rồi được cất đi, lưu trữ trong bình hay túi nilon kín. Hàng năm tuần tự việc nướng lại rồi lại cất đi. Mục đích: Độ ẩm trong trà tăng lên theo thời gian từ 3% trở lên, khi độ ẩm trong trà vượt quá 6% thì sự khuếch tán và chuyển động của các chất và sự tương tác giữa chúng sẽ trở nên rõ ràng hơn, và những thay đổi về chất cũng sẽ trở nên mạnh hơn. (Độ ẩm trên 12% thì trà sẽ dễ bị mốc). Độ ẩm tăng lên, cho phép enzym hoạt động, nhiều chất trong trà thay đổi theo các xu hướng mất đi hoặc tăng lên.
Giảm đi: độ tươi, diệp lục, axit amin, các mùi thơm ban đầu (do phản ứng với các chất khác).
Tăng lên: Ngọt, mịn, độ sẫm trà khô và màu nước của trà đậm lên.
Độ chặt chẽ của viên trà tăng lên, do việc nướng sấy trà bằng nhiệt liên tục nhiều năm khiến viên trà bó nhau, quấn chặt lại hơn. Độ se, chát của trà là từ tanin giảm xuống, 1 lượng Catechin – mà tanin là 1 trong số chúng chuyển hóa thành axit galic. Axit gallic có tính kháng nấm và kháng khuẩn. Axit gallic hoạt động như một chất chống oxy hóa và giúp bảo vệ các tế bào khỏi nguy cơ bị oxy hóa. Axit gallic cũng có khả năng kháng các tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh.
Độ ẩm tăng lên, tính âm tăng lên theo. Vì thế, nướng, sấy lại trà mang tính Dương, làm cho cân bằng lại Âm Dương. Cụ thể là: Giảm độ ẩm của trà, thay đổi hương vị của trà, màu sắc của trà. Một vài điểm nhận ra rõ ràng nhất ngoài màu nước đậm hơn, màu viên trà đậm hơn, hương thơm caramel cháy(như mùi bánh Cream Burley của Starbuck) từ phản ứng Mailard cao hơn, ngọt hơn, lượng caffein cũng bị giảm đi bởi nhiệt, …
Trà ủ lâu không nướng, sấy lại thì kết cấu của viên trà sẽ lỏng dần đi, khi pha dễ nở ra to dần nhanh hơn. Nếu việc nướng, sấy lại cao nhiệt nhiều lần không chuẩn(trên 100 độ) thì việc cacbon hóa làm kết cấu trà kết dính chặt nhau, sẽ làm viên trà khó nở, nở chậm. Thậm chí có mùi khét, lá chè sẽ bị đen và quăn lại, đáy lá không phát triển được, vì vậy chè già cần tránh nhiệt độ cao để không phá hủy sự độc đáo của trà cũ.
Viên trà khô: Mùi ngọt tự nhiên và nhiều chiều sâu, nhưng rất thanh, không ngấy, không hắc của mùi gỗ cháy, rất dễ chịu.
Hình dáng: Trà khô có màu nâu đỏ, đen, nâu nhạt. Theo yêu cầu của vài khách, mình có rang lăn, tạo thêm màu vỏ hơi bạc trắng nhẹ như đánh mốc của trà Thái Nguyên.
Màu nước: Trong, hồng lúc mới pha, lâu sẽ chuyển sang màu nâu hơn. Không cặn, vụn, tạp chất.
Hương trà khi pha: Làm nóng ấm, cho trà khô vào rồi lắc cho trà ngấm nóng ẩm đều. Mùi thơm đặc biệt nhất của trà sẽ xuất hiện. Nước trà thơm nhất, đậm nhất, dai dẳng bám lại nhất trong các loại oolong. Nhiều tầng hương của các hoa quả chín, ngũ cốc nướng, caramel nóng. Nhiều bạn thích ngửi đáy chén khi cạn hơn mùi nước trà. Mùi thơm đặc trưng của oolong Vô Tứ Trà thường có. Sự sảng khoái đến từ mùi hương này hơn là từ vị.
Vị của trà: Ngọt đậm, dầy,căng, tròn, không chút chát (Đắng có thể xuất hiện nếu ngâm lâu). Khoang miệng ngọt, sạch sẽ, ngọt ngào. Hậu vị ngọt từ nước bọt tiết ra lan tỏa khắp mọi nơi trong khoang miệng.
Cảm giác toàn thân: Ấm áp, sảng khoái, nhiều dương khí. Xua tan mọi mệt mỏi, buồn nản, ẩm ướt, lạnh lẽo. Giúp thư giãn tinh thần, kéo bứt ra khỏi tâm trạng ủ ê. Không mang tới các việc: lợi tiểu, cồn cào bụng, căng thẳng thần kinh.
Trà phù hợp với người thể hàn, lạnh, và người thực hành thiền. Do tính ấm, khí trà tốt, miệng không bị khô do ngồi lâu không uống nước, cảm giác dễ chịu khoan khoái trong miệng giúp giảm bớt việc phân tâm bên ngoài mà hướng sâu được vào bên trong trong 1 thời gian dài hơn.
Cách pha: Không hãm lâu được như trà Thái Nguyên, đậm đặc làm cho màu nước sẫm, hương vị đậm quá cũng gây khó uống. Hãm ngon nhất trong 30-40s rồi đổ ra hết chén tống, chén quân sao cho trà được khô. Lặp đi lặp lại hơn chục lần.